Ngày 8/12, tại Hội nghị khoa học Tế bào gốc 2023, BS Phan Thanh Hào, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Quốc tế DNA cho biết, bệnh viện đang tiến hành nghiên cứu phương pháp ghép tế bào gốc trung mô trong điều trị lão hóa viêm và bước đầu mang lại kết quả rất khả quan.
Phát biểu tại Hội nghị, BS Phan Thanh Hào đã trình bày về kết quả nghiên cứu của đề tài “Chống lão hoá sử dụng tế bào gốc trung mô bằng mô mỡ tự thân để điều trị lão hoá viêm” do nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Quốc tế DNA thực hiện.
Theo chia sẻ từ BS Phan Thanh Hào, lão hóa có rất nhiều nguyên nhân, từ nhóm bệnh cơ xương khớp đến nhóm bệnh thần kinh, từ nhóm bệnh về tim mạch cho đến các nhóm bệnh về chuyển hóa... Vì vậy, nói chống lão hóa phải khu trú vào một nguyên nhân, một lý do nào có đó cụ thể mới khả thi, mới có căn cứ khoa học. Lão hóa viêm, hay còn gọi là lão hóa liên quan đến hệ miễn dịch, là sự khu trú mà nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Quốc tế DNA thực hiện khi tìm cách hạn chế lão hóa bằng tế bào gốc trung mô.
BS Phan Thanh Hào báo cáo đề tài nghiên cứu trong Hội nghị khoa học Tế bào gốc 2023
Được Bộ Y tế cấp phép, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm lâm sàng (pha 1) trên 12 tình nguyện viên từ 40 tới 64 tuổi, gồm 7 nam 5 nữ, với sự đánh giá độc lập từ đơn vị có chức năng để đảm bảo tính khách quan và khoa học của kết quả này.
Trong đề tài nghiên cứu, các bác sĩ của Bệnh viện Quốc tế DNA đã tập trung vào phương pháp ghép tế bào gốc từ mô mỡ tự thân ở bệnh nhân viêm cấp độ thấp liên quan đến lão hoá đối với Cytokine tiền viêm và Cytokine chống viêm còn gọi lão hoá liên quan hệ miễn dịch. Đây là mô mỡ tự thân của những người có vấn đề lão hoá viêm để nuôi cấy, truyền tế bào gốc lại cho chính người đó. Sau khi truyền tế bào gốc, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá các kết quả về sự an toàn và những tác động liên quan. Theo đó, tất cả các bệnh nhân đều khỏe mạnh bình thường, không có bất kỳ biến cố nào.
Xét nghiệm đánh giá tình trạng của người bệnh trước và sau khi truyền cho thấy có sự cải tiến rõ rệt, các yếu tố cytokine gây viêm giảm hẳn. Kết thúc quá trình truyền 6 tháng, qua các kết quả kiểm tra cận lâm sàng ở 12 bệnh nhân tham gia vào quá trình nghiên cứu - cho thấy chỉ số lão hóa viêm giảm rõ rệt. Về mặt lâm sàng da dẻ bệnh nhân hồng hào, căng mịn, ngủ ngon, tinh thần thoải mái.
Kết quả đánh giá sau ghép tế bào gốc 6 tháng cho thấy cơ thể có khả năng chống viêm lão hóa mạnh mẽ
Theo nhận định của BS Phan Thanh Hào, thực tế trên cho thấy, phương pháp truyền tế bào gốc tự thân có giá trị đánh giá về mặt khoa học thống kê (P-value < 0.05).
“Việc truyền tế bào gốc tự thân này đạt được 2 tiêu chí là cải thiện các chỉ số gây viêm, thứ hai là an toàn. Kết quả nghiên cứu pha 1 đã được bệnh viện trình Bộ Y tế phê duyệt thông qua giai đoạn 1. Bộ Y tế đã đồng ý cho phép thực hiện tiếp giai đoạn 2 trên quy mô 60 bệnh nhân, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2023. Đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục trình kết quả nghiên cứu pha 2 lên Bộ Y tế” - BS Phan Thanh Hào cho biết thêm.
PGS.TS.BS Trần Công Toại, chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
Ngoài ứng dụng tế bào gốc trong điều trị chống lão hóa, tại Hội nghị khoa học Tế bào gốc 2023 lần thứ 12, PGS.TS.Trần Công Toại- Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM cũng cho biết: "Với khả năng đặc biệt của mình, tế bào gốc đã mở ra một thế giới mới về điều trị bệnh, y học tái tạo. Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến đáng kinh ngạc trong việc ứng dụng tế bào gốc để chữa trị nhiều loại bệnh lý, từ các bệnh lý ung thư cho đến các vấn đề về tim mạch và thậm chí là lão hóa".