Không thể là thứ khác!

19/09/2024 12:24

PNO - Mỗi năm, nhìn những cô cậu học trò trưởng thành, đó là cảm xúc thật khó có gì diễn tả được.

 

pncn24-khong-the-la-thu-khac-_7316555680
Ảnh Phùng Huy

Khi những cơn mưa đầu mùa ào qua thành phố, khi tiếng ve xao xác đánh thức cây phượng vĩ lặng lẽ đứng yên nơi góc sân trường vỡ tung những chùm hoa đỏ ối là lúc các cô cậu học trò cuối cấp chia tay nhau.

Suy tận cùng, trong đời con người, có quãng nào đẹp hơn quãng cắp sách đến trường? Một màu trắng tinh khôi đúng nghĩa. Tất nhiên, không hẳn tất cả đều đi qua tuổi học trò êm đẹp. Nhưng, so với sau này, ngày xếp chiếc áo học trò vào ngăn ký ức, quãng đời nhiều màu sắc mang tên trưởng thành khó mà sánh được. Nó tựa như nắng sớm mai, tựa hoa hàm tiếu, tựa tiếng bi bô trẻ thơ. Đó là quãng thơ ngây trong trẻo, vô tư, vô lo người ta chỉ có một lần duy nhất trong đời.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Đôi khi tôi phải thầm cảm ơn cái nghề đứng trên bục giảng của mình, bởi lẽ cứ mỗi năm lại được gần gũi một lứa thanh xuân; nhìn ngắm các em thật xinh xắn, bắt đầu cứng cáp, chập chững bay đi, với cơ man cảm xúc. Con người, nhất là trẻ em, có hấp lực không thể cưỡng - cái hấp lực diệu kỳ của tình thương, càng gần gũi càng thương, càng thấu hiểu càng thương. Có thể giận, có thể buồn nhưng rồi lại thương ngay sau đó.

Làm sao không thương cho được khi tiết học cuối cùng, cả lớp giấu giấu giếm giếm sau lưng những chậu sen đá con con, líu ríu tặng thầy tặng cô: “Tụi con xin lỗi”, “Tụi con cảm ơn”. Làm sao không thương cho được cậu học trò cả năm lặng lẽ, chạy theo dúi vào tay cô giáo lá thư và gói quà bé xíu: “Cô cho con ôm một cái được không?”. Làm sao không thương cho được, giữa những tháng năm này, với điện thoại, email, Facebook… còn những dòng lưu bút viết tay nắn nót tặng thầy cô.

Tôi đã nhìn thấy từ năm này sang năm khác, những giọt nước mắt lăn dài trên má các cô giáo lúc choàng tay ôm học trò ngày tri ân trưởng thành. Tôi đã nhìn thấy, cũng năm này sang năm khác, cái quay đi vội vàng của thầy khi nhìn học trò khóc, mái tóc muối tiêu hình như cũng run rẩy…

Nhiều năm gần đây, người ta ít nhiều mất niềm tin về người thầy. Mỗi ngày mở báo, lướt mạng xã hội, từng dòng chữ đen ngòm nhọn hoắt cứ đâm thẳng vào người thầy. Đám đông ùa lên ném đá vào một người không quen biết khi thấy người ta ngã xuống. Đám đông ùa lên tung hê một người mình cũng chưa rõ có phải là người xấu…

Đành rằng không tự dưng mà lòng tin về người thầy bị xói mòn. Song, không có nghĩa học đường và người thầy phải gánh chịu sự rủa sả, đe nẹt của đám đông đôi khi chưa thấu tỏ mọi chuyện. Trẻ cần phải đến trường, cần những người thầy. Tàn nhẫn với người thầy là tàn nhẫn với trẻ con. Hủy hoại người thầy là hủy hoại trẻ con. Hãy tưởng tượng đến trẻ con, hệt đứa trẻ trong nhà mình, máu mủ ruột rà mình yêu thương mà cân nhắc, mà chung tay bảo vệ xây dựng nơi trẻ buộc phải trú ẩn, sau cái tổ của mình: trường học. Hãy để các con cứng cáp, lớn lên và bay đi.

pncn24-khong-the-la-thu-khac-_2416555682
Ảnh mang tính minh họa - Lưu Ngọc

“Thầy vẫn luôn ở đây, nhìn các em lớn lên và cũng sẽ luôn dang rộng vòng tay đón các em quay về”. Tôi cứ nhớ mãi khi đọc những dòng thư đồng nghiệp mình gửi học sinh ngày tri ân trưởng thành. Toàn bộ học sinh đang ngồi tự động đứng lên, nghiêm trang hướng về phía các thầy cô, nước mắt cứ thi nhau chảy.

Mấy dòng thư làm gì có sức mạnh đến thế nếu không phải là cả một hành trình tận tụy gieo hạt mầm thương yêu ngày ngày, tháng tháng. Tôi từng tự hỏi mình và rất nhiều đồng nghiệp của tôi: “Nếu được chọn lại, cậu muốn đi dạy không?”. Lần nào cũng là câu trả lời: “Tớ vẫn muốn”. Thế mới biết, chỉ yêu thương mới đủ sức níu giữ và làm tốt đẹp con người chứ không thể là thứ nào khác. 

Triệu Vẽ