Fed muốn tránh suy thoái nhưng kế hoạch hành động lại đầy lỗ hổng

19/09/2024 05:42

Theo nhận định của tờ Economist, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang nghĩ rằng họ có thể hạ nhiệt nền kinh tế để chế ngự lạm phát bằng cách sử dụng thị trường lao động. Tuy nhiên, các dữ kiện cho thấy Fed khó thành công.
17-06-2022 VNDirect: Fed tăng lãi suất có thể gây tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng
16-06-2022 Ghế tổng thống của ông Biden lung lay nếu Fed đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái

Fed theo trường phái lạc quan

Hiện giờ, các nhà kinh tế tại Mỹ không còn là “diều hâu” hay “bồ câu” nữa, mà họ đã chuyển sang theo đuổi trường phái lạc quan hoặc bi quan. Trong bối cảnh lạm phát tiêu dùng tháng 5 bật tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, tất cả đều nhất trí rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cần phải tăng lãi suất mạnh mẽ.

Đầu tuần này, thị trường đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6, tăng so với mức 50 điểm cơ bản trước đó. Quả thực, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản như các nhà đầu tư dự đoán.

2-2022061714391371.png?width=700

 

Sự bất đồng quan điểm giữa các chuyên gia bây giờ không còn xoay quanh việc liệu Fed có phải khống chế lạm phát hay không, mà là về những thiệt hại tiềm tàng mà chính sách tiền tệ thắt chặt gây ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, tờ Economist nhấn mạnh.

Các nhà kinh tế bi quan nói, trong lịch sử từ xưa đến nay, các đợt thắt chặt chính sách tiền tệ thường kéo theo suy thoái. Những người lạc quan thì cho rằng Fed có thể đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% bằng cách làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Fed đang theo trường phái lạc quan, Economist nhận thấy. Trong một bài phát biểu gần đây, ông Christopher Waller - một trong các nhà hoạch định chính sách, đã đưa ra quan điểm đó. Lập luận của ông gắn chặt với thị trường lao động đang khá mạnh mẽ của Mỹ.

Trong tháng 4, số lượng đầu việc tuyển mới cao gần gấp hai lần so với số lượng lao động thất nghiệp, chênh lệch đã lên gần mức cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 3. Và mức lương của người lao động cao hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng trung ương Mỹ có thể xem đó là bằng chứng cho thấy họ có thể hạ nhiệt nền kinh tế mà không khiến bất kỳ ai bị đuổi việc. Nhiều vị trống hơn thì người lao động sẽ ít phải cạnh tranh tìm việc hơn, điều này có thể làm giảm mức tăng tiền lương và lạm phát mà không thổi bùng tỷ lệ thất nghiệp.

1-20220617145644780.png?width=700

 

Tuy nhiên, một người bi quan sẽ thấy việc làm quá dồi dào nhưng lại thiếu nhân công là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đã trở nên bất ổn như thế nào dưới bàn tay chèo lái của Fed. Nhìn chung, tình trạng mất cân bằng giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung lao động cho thấy Fed không thể dựa vào thị trường này để làm chậm tăng trưởng.

Đường cong Beveridge và quy tắc Sahm

Lập luận của Fed có liên quan đến “đường cong Beveridge”. Đây là khái niệm được đặt tên theo nhà kinh tế người Anh William Beveridge, dùng để theo dõi mối quan hệ giữa tỷ lệ việc làm còn trống và tỷ lệ thất nghiệp.

Đường cong này là một hiện tượng bí ẩn. Nó thường tuột dốc và hướng ra xa khỏi mốc tham chiếu (move outwards) trong các cuộc suy thoái kinh tế và từng diễn ra vài lần sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao nhưng tỷ lệ việc làm đang trống lại xuống thấp. Để hỗ trợ nền kinh tế, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh tuyển dụng để giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Kể từ khi đại dịch COVID bùng phát, đường cong Beveridge đã di chuyển ra bên ngoài khá nhanh, có lẽ là phản ánh xu hướng người lao động chuyển sang làm việc tại nhà và sự thay đổi mô hình chi tiêu của người tiêu dùng, Economist nhận định.

Hình dạng gần đây của đường cong Beveridge cho thấy nếu số lượng vị trí trống trở lại mức của năm 2019 - lần gần nhất thị trường lao động Mỹ được cho là ở thế cân bằng, thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức 3,6% hiện nay lên hơn 6%.

Thật khó để tưởng tượng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ đứng vững nếu dự đoán trên thành hiện thực. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ba tháng chỉ tăng 0,5 điểm % so với mức thấp trong 12 tháng trước đó, chính là một dấu hiệu cho thấy suy thoái.

Kể từ năm 1950, mỗi lần tỷ lệ thất nghiệp trung bình ba tháng biến động như trên, thì thường đi kèm hoặc không lâu sau đó sẽ kéo theo suy thoái. Đây là một lý thuyết được gọi là “quy tắc Sahm”, đặt tên theo nhà kinh tế học người Mỹ Claudia Sahm.

3-2022061715483118.png?width=700

 

Mặt hại khi suy nghĩ quá lạc quan

Nhìn chung, Economist cho rằng tính toán của Fed khá hợp lý. Tuy nhiên, lập luận của ngân hàng trung ương Mỹ có vẻ là ví dụ mới nhất về sự lạc quan giữa các nhà hoạch định chính sách, những người đã từng hạ thấp mức độ rủi ro của lạm phát và chần chừ hành động để chế ngự áp lực giá cả.

Tại sao chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ thu hẹp số lượng vị trí trống mà không tăng lượng người lao động bị sa thải? Trên thực tế, lãi suất tăng cao thường làm giảm chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng, điều này có thể khiến các công ty yếu kém phải thu hẹp lực lượng lao động hoặc thậm chí đóng cửa.

2-20220616080120947.png?width=700

 

Trong một phân tích hồi cuối tháng 5, ông Waller nói rằng “trong suy thoái, tỷ lệ sa thải sẽ không thay đổi nhiều. Thay vào đó, biến động về nhu cầu lao động thường có xu hướng phản ánh qua thay đổi về số lượng vị trí trống”.

Tuy nhiên, Economist cho rằng suy thoái thực chất chính là kết quả mà những người bi quan lo sợ sẽ xảy ra khi lãi suất tăng cao hơn. Nhìn từ quá khứ, người ta có lý do để e ngại và lập luận của Fed lại càng có ít cơ sở củng cố hơn.

Nghiên cứu của hai chuyên gia Đại học Harvard Alex Domash và Larry Summers (cũng là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ) phát hiện ra rằng chưa bao giờ tỷ lệ việc làm trống sụt giảm mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể trong vòng hai năm.

Theo nghiên cứu trên, tỷ lệ vị trí tuyển dụng trống mất 20% sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp trung bình tăng 3 điểm %. Kết quả này tương quan với những gì thấy được từ đường cong Beveridge. Economist lưu ý rằng, ở lập luận của ông Waller, mức giảm của tỷ lệ việc làm trống là 35%.

Vấn đề cuối cùng với kế hoạch của Fed là nó không thể loại trừ được lạm phát dai dẳng. Ngay cả khi thị trường lao động trở lại trạng thái cân bằng, lạm phát vẫn có thể ở mức cao nếu người lao động đều kỳ vọng giá cả sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Trong các sách giáo khoa về kinh tế, kỳ vọng lạm phát quá cao của công chúng chính là thứ khiến mục tiêu điều tiết giá cả mà không gây ra suy thoái trở nên khó khăn. Cho nên, việc kỳ vọng lạm phát dài hạn của người dân Mỹ liên tục tăng là một tin xấu cho Fed, theo khảo sát của Đại học Michigan.

Thông thường, việc Fed cố gắng kéo kỳ vọng lạm phát đi xuống sẽ khiến nền kinh tế trở nên nguội lạnh. Mỗi lần ngân hàng trung ương Mỹ quá lạc quan, mức độ tín nhiệm của họ lại sa sút và nền kinh tế càng có khả năng hứng chịu một kết cục tồi tệ.

(Theo: http://vietnambiz.vn/fed-muon-tranh-suy-thoai-nhung-ke-hoach-hanh-dong-lai-day-lo-hong-202261715256797.htm)