Nhiều cơ hội cho gạo đặc sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Bắc Âu

19/09/2024 10:52

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thụy Điển tăng đáng kể và có sức cạnh tranh hơn các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan.
20-06-2022 Nhiều tín hiệu mở ra với xuất khẩu gạo nửa cuối năm

Thời gian qua, thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan đưa gạo Japonica của Việt nam “bước một chân” vào thị trường Bắc Âu.

Trước đó, doanh nghiệp khu vực Bắc Âu thường mua gạo Japonica từ các nước trồng lúa gạo trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Italy hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ.

Tuy nhiên, gạo Japonica Việt Nam chất lượng không thua kém gạo cùng loại của Mỹ, Tây Ban Nha, Italy nhưng giá chỉ bằng 1/3-1/2. Do vậy, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với loại gạo này của Việt Nam.

“Hiệp định EVFTA công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý với một số loại gạo của Việt Nam. Gạo ST24, ST25 được giải thưởng gạo ngon thế giới. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu đưa các loại gạo này vào thị trường Bắc Âu với thương hiệu Gạo đặc sản Việt Nam”, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết.

Các loại gạo đặc sản sẽ càng có sức hút và có giá trị cao ở thị trường Bắc Âu nếu được sản xuất và có chứng nhận hữu cơ hoặc chứng nhận thương mại công bằng.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cao doanh nghiệp tận dụng các lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để sản xuất gạo thơm, gạo đặc sản và có câu chuyện sản phẩm.

Để có thể thâm nhập vào thị trường Bắc Âu, Thương vụ cho rằng doanh nghiệp cần nghiên cứu các thị trường ngách và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất....

Cụ thể, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI để hiểu các thủ tục liên quan đến gạo.

Đồng thời, xem cơ sở pháp lý của Ủy ban châu Âu về ngũ cốc và gạo để biết tổng quan về các văn bản và quy định pháp lý. Kiểm tra các cập nhật quy định bằng cách sử dụng ứng dụng web Appryza của Liên đoàn các nhà xay xát gạo châu Âu (FERM), cung cấp thông tin quy định cập nhật về các thị trường xuất khẩu châu Âu và các thị trường xuất khẩu khác.

Ngoài ra, kiểm tra MRLs đối với thuốc trừ sâu và các chất hoạt động có liên quan đến gạo bằng cách tham khảo cơ sở dữ liệu MRL của EU; tìm kiếm gạo (hoặc mã số 0500060).

Đọc về Quản lý sâu bệnh trong Ngân hàng Kiến thức Lúa gạo và giảm mức độ thuốc trừ sâu bằng cách áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất. Đó là một chiến lược kiểm soát dịch hại nông nghiệp bao gồm các hoạt động trồng trọt và quản lý hóa chất.

Xem danh sách cập nhật các cơ quan kiểm soát và cơ quan có thẩm quyền được phê duyệt để áp dụng các tiêu chuẩn và chương trình kiểm soát tương đương ở các nước không thuộc Liên minh châu Âu. 

“Ngoài các yêu cầu bắt buộc của thị trường có thể được hiểu là yêu cầu tối thiểu, các yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ”, Thương vụ lưu ý.

(Theo: http://vietnambiz.vn/nhieu-co-hoi-cho-gao-dac-san-viet-nam-tham-nhap-vao-thi-truong-bac-au-2022620211926922.htm)