Quy hoạch hiệu quả, thúc đẩy logistics khu vực ĐBSCL phát triển

12/08/2024 01:20

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 với nhiều nội dung, trong đó có lĩnh vực hạ tầng là rất kịp thời và cần thiết. Các doanh nghiệp (DN) logistics rất kỳ vọng Quy hoạch sẽ khắc phục được những hạn chế về hạ tầng, để ĐBSCL sớm trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, hiệu quả của quốc gia.
20-06-2022 Giá cước vận tải biển có thể hạ nhiệt trong năm nay?
crawl-20220620202137163.jpg?width=700

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA: Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 với nhiều nội dung trong đó có lĩnh vực hạ tầng, logistics là rất kịp thời và cần thiết. (Ảnh:VGP)

Đây là ý kiến của ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về giải pháp thúc đẩy logistics để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL.

Hạ tầng kém mất lợi thế cạnh tranh về giá

Ông Đào Trọng Khoa cho biết, có 4 trụ cột chính của hệ thống logistics của một khu vực bao gồm: Cơ chế, chính sách điều chỉnh; kết cấu hạ tầng logistics; DN cung cấp dịch vụ logistics; DN sử dụng dịch vụ logistics.

Đại diện VLA cho rằng, vấn đề kết cấu hạ tầng logistics chưa phát triển đồng bộ và yếu kém không đáp ứng được yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics của khu vực, đặc biệt, với hàng nông hải sản, hoa quả tươi - mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ĐBSCL hiện nay.

ĐBSCL đang đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước.

Hệ thống hạ tầng hạn chế là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí logistics hàng nông sản hiện nay ở mức cao, khoảng 30% giá thành sản phẩm. Cả khu vực chưa có đến 100 km đường cao tốc.

Vận tải thủy là phương thức vận chuyển chính của ĐBSCL nhưng chỉ có một số cảng sông, quy mô nhỏ, hoạt động cầm chừng, chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, chưa có hệ thống kho tập kết hàng hóa gần cảng, đồng thời, hạn chế trong đầu tư công nghệ chuỗi lạnh (cold chain).

Sân bay Cần Thơ, sân bay Cà Mau hay Rạch Giá (Kiên Giang) có công suất thấp, khu vực lân cận còn sân bay Phú Quốc công suất khai thác cao nhưng chủ yếu phục vụ khách du lịch. ĐBSCL chưa có trung tâm logistics mang tính chất vùng để tập trung hàng hóa và phục vụ trực tiếp cho hàng nông sản, thủy sản sau thu hoạch và xuất nhập khẩu…

Do đó, ông Đào Trọng Khoa bày tỏ đồng tình với mục tiêu Quy hoạch vùng. Đó là phấn đấu đến năm 2030 vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Logistics tận dụng cơ hội tốt khi có hạ tầng đồng bộ

Theo ông Đào Trọng Khoa, những hạn chế của khu vực ĐBSCL gồm: Hạ tầng logistics khá nhỏ lẻ thiếu tính liên kết; việc vận chuyển hàng hóa còn chưa tiện lợi, lý do trước tiên là chưa làm tốt công tác quy hoạch vùng, nhất là quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và quy hoạch logistics toàn vùng.

Đại diện VLA tâm đắc với điểm đáng chú ý của Quy hoạch là phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết nối với các đầu mối hạ tầng để cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

crawl-20220620202138103.jpg?width=700

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA: Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 với nhiều nội dung trong đó có lĩnh vực hạ tầng, logistics là rất kịp thời và cần thiết. (Ảnh: VGP)

Về hạ tầng, quy hoạch sẽ chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phấn đấu đến năm 2030, vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TPHCM với Cần Thơ trong tương lai.

Tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển theo cách tiếp cận khác, không phải 1 tuyến giao thông đơn thuần mà phải là hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh... Cố gắng khép kín toàn bộ vành đai đường ven biển cho ĐBSCL, từ Tiền Giang ở bờ Đông đến Kiên Giang ở bờ Tây….

Thực tế, nếu so với một số địa phương như Quảng Ninh đã làm phát triển sân bay, bến cảng, đường cao tốc, kho bãi hay phát triển cảng nội địa thông minh với Singapore ở Vĩnh Phúc… thì khu vực này khá "chậm chân".

Một lý do không thể không kể đến nữa là thiếu nguồn vốn cho việc phát triển kết cấu hạ tầng. Cần tận dụng nguồn vốn và sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như đầu tư FDI trong việc phát triển kết cấu hạ tầng logistics.

Ông Đào Trọng Khoa thẳng thắn cho rằng, việc hợp tác, chia sẻ và liên kết vùng trong công tác xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng vẫn chưa làm tốt, còn thiếu đồng bộ và nhỏ lẻ.

Chính vì vậy mà Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 với nhiều nội dung trong đó có lĩnh vực hạ tầng, logistics là rất kịp thời và cần thiết.

Để cụ thể hóa mục tiêu, ông Đào Trọng Khoa cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư FDI trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt đồng đầu tư của các dự án. Cần tạo cơ chế cho nhà đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, xúc tiến đầu tư theo hợp tác công-tư.

Đại diện VLA cho rằng, cần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics bằng các giải pháp tổng thể như: Đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lợi thế sẵn có của phương thức vận tải đường thủy.

Cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực cho phép tàu 20.000 DWT có thể vào/ra chuyên chở hàng hóa trực tiếp đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng. Coi trọng việc kết nối toàn vùng và với khu vực trong cả nước và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển logistics hàng không, đầu tư nhà ga hàng hóa chuyên biệt tại sân bay Cần Thơ.

Cần có chính sách thu hút các hãng hàng không, các công ty dịch vụ logistics hàng không mở đường bay, dịch vụ đi và đến Cần Thơ, kết nối với khu vực phía bắc, Đông Bắc Á, để phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL, đặc biệt là hàng nông sản, thủy hải sản. Quan tâm, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các hãng hàng không chuyên biệt về hàng hóa của Việt Nam.

Ông Đào Trọng Khoa cho rằng, cần đầu tư phát triển các trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng như khai báo hải quan, kiểm nghiệm, chiếu xạ hàng hóa, kho lạnh… đối với mặt hàng trái cây để bảo đảm chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, cần tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - DN thương mại - DN logistics.

Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cách mạng Công nghiệp 4.0, hiện đại hóa trong hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics và đưa hoạt động logistics đến với người nông sân, người sản xuất hàng hóa.

"Cần thành lập Hiệp hội logistics vùng ĐBSCL để hỗ trợ việc phát triển các DN cung cấp dịch vụ logistics cả về số lượng và chất lượng, nhất là các DN cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, là tiếng nói của DN phản biện chính sách phát triển logistics và kinh tế ĐBSCL. VLA sẽ tích cực hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu này", ông Đào Trọng Khoa gợi ý.

(Theo: http://vietnambiz.vn/quy-hoach-hieu-qua-thuc-day-logistics-khu-vuc-dbscl-phat-trien-202262020273742.htm)