Cho con mùa hè đúng nghĩa - Nghỉ hè là cơ hội cho trẻ phát triển toàn diện

05/11/2024 05:24

PNO - Không chỉ thời điểm dịch mà đa phần trẻ em ngày nay, đặc biệt ở thành phố, gần như không có một mùa hè đúng nghĩa như thế hệ xưa. Không ít phụ huynh nghĩ rằng cho con vui chơi ba tháng hè là vô bổ, lãng phí và luôn đặt áp lực học tập lên đôi vai con trẻ, vô tình biến kỳ nghỉ hè thành học kỳ thứ III.

Thực chất, nghỉ hè là thời gian để các em chuyển hình thức hoạt động từ trong nhà trường sang hoạt động với gia đình, xã hội, hướng tới sự hình thành nhân cách và phát triển toàn diện của một đứa trẻ. Việc phụ huynh cho con em đi học thêm hè triền miên hoặc tiếp tục “nhốt” con giữa bốn bức tường với ti vi, iPad sẽ khiến các em không có thời gian hòa nhập vào cuộc sống thực. 

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình giáo dục rất coi trọng giáo dục toàn diện cho trẻ, trong đó có việc cho trẻ tham gia các hoạt động giao lưu, giao tiếp để từ đó phát triển nhân cách. Điều này rất phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi từ mầm non, tiểu học, THCS, kể cả THPT. Các em phải thông qua hoạt động và từ hoạt động mới thể hiện được nhân cách cũng như năng lực bản thân.

Tuy nhiên, để tìm lại mùa hè thực chất cho trẻ không phải cứ hô hào suông là được, mà cần thay đổi tư duy và cần sự đồng lòng tham gia của cả xã hội. Trước tiên, các bậc phụ huynh phải là người thay đổi tư duy và hiểu được bên cạnh kiến thức sách vở, thì các hoạt động vận động, trải nghiệm, giao lưu, ứng xử… đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển toàn diện của trẻ. Từ đó, cha mẹ hiểu rằng sau chín tháng học tập vất vả thì hè là khoảng thời gian cho con được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống. Bên cạnh đó, các đoàn thể trong xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố… đều phải tham gia tổ chức các “sân chơi” hè cho trẻ.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Đối với ngành giáo dục, với nhà trường, cần quán triệt để không học thêm, dạy trước chương trình. Đồng thời, tiếp tục rà soát, giảm tải chương trình học, giảm áp lực học tập, thi cử để học sinh không cần thiết phải học thêm. Không tổ chức học thêm, nhưng khuyến khích xây dựng mô hình đôi bạn học, nhóm học để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm là hình thức ôn tập, củng cố kiến thức có hiệu quả nhất trong mùa hè.

Chỉ đơn giản tìm lại mùa hè đúng nghĩa cho trẻ, nhưng cần cả xã hội vào cuộc chứ không phải chuyện của riêng ngành giáo dục. Tất cả chúng ta có trách nhiệm xây dựng nên một thế hệ trẻ phát triển toàn diện chứ không phải những con người thụ động chỉ có kiến thức sách vở. Ngoài việc học, ngoài chỉ số thông minh IQ, các em còn cần phát triển các chỉ số khác như EQ (chỉ số thông minh cảm xúc), AQ (tạm gọi là chỉ số thông minh hành động, vượt qua nghịch cảnh)… thì các em mới phát triển toàn diện và trở thành công dân có ích cho xã hội. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý giáo dục Học viện Quản lý giáo dục)

Phương Thanh (ghi)