Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, thảo luận tại hội trường
Chiều nay (14/6), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng, thực tế hiện nay, vấn nạn bạo lực gia đình vẫn đang diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người.
Theo đại biểu, dự thảo Luật lần này đã bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc ngăn ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình như: thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn hòa giải, các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình, quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, các biện pháp để ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình…
Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình và để các quy định trên có thể thực hiện trong thực tế, đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, chúng ta cần phải có một cơ chế phù hợp để đảm bảo thực hiện. Cụ thể là phải đảm bảo được nguồn lực về tài chính và nhân lực để đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, phát biểu.
Còn đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cho biết: Về khái niệm bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.
Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: "Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng".
Đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng như vậy là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ "thành viên gia đình" để áp dụng trong phạm vi luật này, khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 3 Giải thích từ ngữ về khái niệm "người có nguy cơ bị bạo lực gia đình" nhằm giúp các cá nhân, tổ chức, cơ quan trợ giúp có thể xác định được những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình để có cơ hội chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bạo lực một cách tập trung và chủ động.
Còn theo đại biểu Cao Mạnh Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, dự thảo Luật quy định các hành vi bạo lực có thể chia thành 4 nhóm: Một là, hành vi bạo lực về thể chất. Hai là, hành vi bạo lực về tinh thần. Ba là, hành vi bạo lực về kinh tế. Bốn là, hành vi bạo lực tình dục.
Đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng, các nhóm hành vi bạo lực này có tính chất phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra rất khác nhau. Nên về nguyên tắc để phòng chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi.
Đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong việc tham gia giáo dục, các thành viên trong gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình tham gia giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực.