Theo trang Undercurrent News, Phó chủ tịch Điều hành của C.P Foods ông Robin McIntosh cho rằng ngành nuôi tôm thẻ chân trắng của châu Á đang đối mặt với rủi ro dư cung, và có thể đánh mắt thị phần vào tay đối thủ nếu không sớm giảm chi phí nuôi.
“Nếu nông dân châu Á tiếp tục nuôi tôm mà không tính toán, kiểm soát kỹ chi phí để có giá bán cạnh tranh hơn, họ sẽ sớm lâm vào tình cảnh dư cung”, ông Robin McIntosh nói.
Theo ông, giá tôm hiện tại trên toàn thế giới không theo kịp chi phí. Ví dụ giá tôm bán buôn tại Mỹ giảm 7% trong tháng 7 trong khi chi phí khác như thức ăn, năng lượng, cước tàu đều tăng phi mã.
Trở lại năm 2019, khi đó, Ecuador trả 4.000 USD cho mỗi container vận chuyển, thể nhưng con số này lên tới 6.500 USD trong năm 2022. Giá cước thậm chí còn cao hơn gấp nhiều lần tại các nước sản xuất tôm lớn ở châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, ở mức 20.000 USD.
Giá cước tàu năm 2022 tăng mạnh so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ (Nguồn: Undercurrent News)
“Thời gian vận chuyển cũng tăng lên đáng kể, điều này cộng thêm vào chi phí sản xuất khiến chúng tôi gặp bất lợi rất nhiều so với những quốc gia ở vị trí gần thị trường tiêu thụ hơn”, Robin McIntosh nhận định.
Mặc dù vậy, thương mại tôm toàn cầu vẫn ổn định do nhập khẩu tăng tại các thị trường phòng Tây. Nhu cầu ở Châu Âu và Mỹ tăng nhờ lĩnh vực dịch vụ, du lịch và thực phẩm hoạt động trở lại.
Ông McIntosh cũng cho biết: “Sản lượng đã tăng đều đặn trong ba hoặc bốn năm qua và tiếp tục xu hướng này. Tuy nhiên, khu vực châu Mỹ đóng góp nhiều hơn so với châu Á. Nếu khu vực châu Á không cải thiện kỹ thuật nuôi một cách hiệu quả để tiện kiệm chi phí thì sẽ tiếp tục gặp bất lợi rõ rệt so với châu Mỹ”, ông nói thêm.
Theo ông, điều đáng lo ngại nhất không phải là chi phí đầu vào (thức ăn, năng lượng, giống…) tăng mà là tỷ lệ chết trên tôm cao.
Trước khi hội chứng tôm chết sớm (EMS) lây lan rộng ở Đông Nam Á cách đây hơn chục năm, tỷ lệ mất mùa tại Thái Lan là 13%. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh EMS, tỷ lệ này nhảy vọt lên 45% và đến giờ vẫn chưa thể quay trở về mức 13% như trước đây.
Tỷ lệ mất mùa tôm của Thái Lan tăng mạnh sau khi hội chứng tôm chết sớm bùng phát và hiện vẫn chưa quay trở lại mức năm 2010.
“Tỷ lệ mất mùa vẫn quanh mức 24 - 30% trong những năm gần đây. Người nuôi không thể có được biên lợi nhuận tốt nếu tỷ lệ mất mùa cao như vậy”, ông nói.
Ông Manoj Sharma – Giám đốc Mayank Aquaculture, một công ty nuôi tôm tại Gujarat, Ấn Độ cho biết tỷ lệ nuôi thành công giảm từ mức 85% năm 2010 xuống còn 47 - 48% năm 2020 và 2021.
“Là người nuôi tôm, tôi rất lo ngại điều này. Trong khi sản lượng tôm của Ấn Độ gần tiến tới mốc 1 triệu tấn nhưng tỷ lệ thành công dưới 50%”, ông nói.
Dịch bệnh khiến tốc độ tăng trưởng bị chậm lại, làm tăng hệ số chuyển hoá thức ăn.
Ông McIntosh nói thêm việc áp dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến hiện đang rất bức thiết. Thông qua cách này, chi phí nuôi tôm sẽ giảm xuống, hiệu quả cao hơn.
“Tỷ lệ mất mùa là vấn đề lớn. Nếu ngành tôm châu Á có thể giải quyết điều này, chi phí cũng sẽ giảm theo. Ecuador đang đẩy mạnh sản lượng và xuất khẩu cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ đang đầu tư mạnh vào khâu chế biến. Nếu châu Á không giải quyết được vấn đề tỷ lệ mất mùa cao, họ sẽ dần mất đi thị phần”, ông McIntosh nói.