Phụ huynh lo vì trẻ chưa học đủ lớp Lá đã vào lớp Một

04/11/2024 11:12

PNO - Tại TPHCM, do dịch bệnh, trẻ lớp Lá chỉ đến trường sau tết Nguyên đán nên nhiều phụ huynh lo ngại con mình chưa được chuẩn bị đầy đủ để bước vào lớp Một, khi năm học mới chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa.

Phụ huynh lo đủ thứ

Chị Minh Hạnh (ngụ Q.7) cho biết đang hết sức lo lắng vì thời điểm dịch bệnh, trẻ mầm non phải nghỉ học sớm nhất và đi học trễ nhất. Suốt thời gian ở nhà, đứa con gái năm tuổi của chị hầu như không được giao tiếp với bạn bè, mà chủ yếu xem điện thoại, ti vi. Mặc dù trước đó bé khá hoạt ngôn nhưng sau mùa dịch bé trở nên ít nói, lười vận động và rất ngại ngùng khi ra chỗ đông người.

phu-huynh-lo-vi-tre-chua-hoc-_6516552203
Trường mầm non phi thuyền Apollo (Q.Gò Vấp) tổ chức cho trẻ lớp Lá đi tham quan, trải nghiệm trường tiểu học - Ảnh: P.T.

Chị hết sức lo ngại khi chỉ còn vài tháng nữa bé vào lớp Một nhưng vẫn chưa thể nói trôi chảy, mạch lạc. “Tôi cùng một số gia đình trong chung cư thuê một cô giáo đã nghỉ hưu đến dạy cho các bé tập đọc, viết, làm toán. Ngày thường, bé học ở trường, còn cuối tuần thì học lớp “tiền tiểu học”. Dù biết như vậy con sẽ mệt nhưng vào lớp Một con sẽ không bỡ ngỡ”, chị cho hay.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Còn chị Thanh Nga (ở TP.Thủ Đức) thì cho biết, sau thời gian nghỉ dịch, chị không cho con quay lại trường mầm non mà xin cho bé vào “dự thính” tại lớp Một gần nhà. Theo chị, với thời gian quá ngắn mà đi lớp mầm non bé cũng không học được nhiều trong khi thời gian vào lớp Một đã cận kề.

Là phụ huynh có hai con đều trải qua chương trình lớp Một mới, chị Nguyên Anh (ngụ Q.Gò Vấp) cho rằng: “không nên ỷ y với chương trình hiện nay”. Bởi với đứa con trai đầu, chị không cho học chữ trước nên khi vào lớp Một, bé bị đuối ngay vì chương trình mới khá khó. Bé bị sai chính tả nhiều vì chưa rành mặt chữ mà phải học từ mới liên tục nên không nhớ kịp. Phải đến hết học kỳ I của lớp Hai con chị mới tạm gọi là bắt nhịp được, nhưng lâu lâu bỏ dấu hoặc phân biệt “g”, “gh”, “ng”, “ngh”… vẫn loạn cả lên. Rút kinh nghiệm, đến đứa thứ hai, chị cho đi học chữ trước thì bé học chắc hơn và xong học kỳ I lớp Một là không bị sai chính tả nữa.

Chị Nguyên Anh đúc kết: “Tôi thấy nếu học trước con sẽ tự tin hơn rất nhiều. Không nhất thiết phải đọc thông viết thạo nhưng ít nhất bé phải biết mặt chữ, ghép vần và làm quen với chữ số. Khi vào lớp Một con tự tin thì con học rất nhàn. Tối về, con có thể học thêm môn năng khiếu thay vì cứ miệt mài đuổi theo bạn trên lớp”.

Chú trọng dạy kỹ năng cho trẻ

Về lo lắng của phụ huynh khi thời gian học của trẻ lớp Lá chỉ vài tháng trước khi vào lớp Một, bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM) - cho biết:

Bà vừa đi khảo sát lớp Lá của các trường mầm non và nhận thấy đa phần các cô đều chuẩn bị khá tốt cho các bé kỹ năng, kiến thức để bước vào lớp Một. Ý thức được ảnh hưởng của dịch bệnh nên năm nay, các trường đều tập trung trang bị kiến thức cho trẻ, như nhận biết bảng chữ cái, ghép vần, học chữ số từ 1 - 10, thêm bớt trong phạm vi 10, kỹ năng định hình, định dạng, cấu trúc phân biệt, so sánh… Do đó, phụ huynh có thể yên tâm. 

Tại Trường mầm non phi thuyền Apollo (Q.Gò Vấp), các cô giáo đã chuẩn bị cho các em những kỹ năng, kiến thức cơ bản để bước vào lớp Một, như tiếp cận mặt chữ, số đếm; hướng dẫn cầm bút đúng, ngồi đúng tư thế, rèn kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ, chăm sóc bản thân… Các bé còn được xem clip giới thiệu và tham quan trường tiểu học. Sau khi được học thử một buổi tại trường tiểu học cũng như sử dụng thư viện, cơ sở vật chất… các em đều rất háo hức.

Cô Huỳnh Lý Ngọc Thảo - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản sẽ giúp các em không bỡ ngỡ khi vào lớp Một, tuy nhiên cũng không nên áp lực nặng nề sẽ hình thành tâm lý sợ hãi của trẻ đối với cấp tiểu học.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, phụ huynh không nên vì quá lo lắng mà gò ép các bé phải học sớm chương trình. Nếu trẻ thấy vào lớp Một quá vất vả, sẽ vô tình làm mất đi sự hứng thú vào lớp Một mà các cô mầm non đang muốn xây dựng cho trẻ. Do đó, tốt nhất là dạy cho trẻ biết vừa đủ và đúng với độ tuổi để tạo đòn bẩy, hứng thú cho việc học. Kiến thức trong sách chỉ là một phần, quan trọng nhất là tạo được tâm thế tự tin cho trẻ. Do đó, phụ huynh cần phối hợp với cô giáo mầm non giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng như: Cách tự phục vụ, tự vệ sinh cá nhân, biết tương tác với bạn, tự trình bày ý kiến với cô giáo… 

Không nên nôn nóng

Phụ huynh không nên nôn nóng cho con học trước chương trình lớp Một. Bởi ở trường tiểu học, các giáo viên lớp Một đều ý thức phải quan tâm sâu sát học sinh trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng này. Thông thường, đối với chương trình lớp Một mới, cô và trò cũng chỉ hơi vất vả trong thời gian rất ngắn ban đầu. Do đó, phụ huynh không cần phải quá lo lắng việc con em mình không thể theo nổi chương trình. Nếu vội cho bé học trước chương trình, khi vào học, ban đầu có thể bé sẽ nhanh hơn các bạn nhưng hình thành tâm lý chủ quan, mất tập trung vì cho rằng nội dung học không có gì mới. Chưa kể, nhiều trường hợp học trước nhưng bé đánh vần không chuẩn, viết không đúng phương pháp dẫn đến quen miệng, quen tay và rất khó uốn nắn.

 Cô Nguyễn Thị Kim Hương 
 Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11)

Phương Thanh