PNO - Tết gần kề, không khí mua sắm đã rộn ràng khắp nẻo. Tuy nhiên, không ít người lại lo lắng. Sau dịch bệnh, nhiều đơn vị, công ty chưa hồi phục, dẫn đến đời sống công nhân, người lao động bị ảnh hưởng. Và tết chính là dịp thách thức sự vén khéo của các “nội tướng”.
Chừng nào con có đồ mới?
Phía trước khu nhà trọ Đại Bảo (62/1 An Dương Vương, phường 16, quận 8, TPHCM - nơi ở của nhiều công nhân Công ty nhựa Chợ Lớn) là ngôi chợ tự phát tấp nập.
Các mặt hàng tết như bánh mứt, bia nước ngọt, quần áo đủ kiểu, đủ sắc màu được bày bán đầy chợ. Thế nhưng, bên trong khu nhà trọ Đại Bảo, vẻ vắng lặng bao trùm, dù là ngày nghỉ, mọi người đều ở nhà.
Bà Võ Thị Phước (61 tuổi) ngồi trên chiếc ghế đá cuối dãy phòng trọ với gương mặt đượm buồn. Kế bên bà, chị Hồ Thị Lệ (36 tuổi) đút cơm cho cậu con trai 5 tuổi, dỗ dành con “ăn giỏi đi”. Thằng bé lên tiếng: “Con ăn giỏi tết mẹ nhớ cho con đi tắm biển nghen!”. Chị Lệ làm lơ.
Những đứa trẻ khu nhà trọ Đại Bảo đang mong được mua quần áo mới |
Cái xóm này, không ai muốn nhắc đến tết, nhưng “mấy đứa nhỏ cứ hỏi tết hoài, tội lắm”- chị Lệ nói, và chị kể: “Mấy hôm nay, con cứ hỏi “xé hết cuốn lịch là tết phải không mẹ? Là con được mua đồ mới và đi siêu thị phải không mẹ?”.
Hai năm nay, vợ chồng chị Lệ không về quê ăn tết, chồng chị cũng là công nhân Công ty nhựa Chợ Lớn, thu nhập cũng bị ảnh hưởng sau dịch nên cuộc sống rất khó khăn. Nỗi nhớ quê và khao khát về quê ăn tết đau đáu trong lòng vợ chồng chị.
Bà Phước - người sống lâu nhất ở khu trọ và làm ở Công ty nhựa Chợ Lớn 17 năm - buồn bã nói: “Mấy năm trước dịch, tết tưng bừng lắm, giờ này là tôi đã sắm sửa xong hết rồi và nôn nao về quê. Về quê, tôi mang quà cáp biếu mọi người, anh chị em, họ hàng tụ họp chơi tết do tiền lương, thưởng cuối năm của công ty trên dưới 20 triệu đồng, dư dả để lo. Còn năm nay, không dám nhắc tết luôn”.
Bà Phước cho biết, trong thời gian dịch bệnh, chồng bà phát bệnh ung thư. Tiền dành dụm bà đổ hết vào trị bệnh cho chồng, hết mấy trăm triệu đồng, rồi ông cũng ra đi vào tháng 8/2021. Sau dịch, thu nhập của bà sụt giảm nhiều, công ty chỉ làm việc từ thứ Hai đến thứ Năm.
“Mỗi kỳ (nửa tháng) lãnh lương chỉ trên dưới 2 triệu đồng, đủ tiền nhà trọ. Tôi còn phải nuôi 2 cháu nội, 5 và 12 tuổi. May mà 2 đứa con tôi cũng góp vào đắp đổi qua ngày” - bà Phước chia sẻ. Những ngày qua, dù bà cố tránh né tết, nhưng 2 cháu nội cứ theo hỏi “chừng nào nội mua đồ mới cho con, chừng nào về quê ăn tết?”.
Không chỉ bà Phước, nhiều người trong khu nhà trọ này như bà Phước, bà Út, chị Lệ… đều quyết định không về quê ở Sóc Trăng, Cần Thơ. Bà Út tâm sự: “Chồng tôi bị bệnh viêm gan, nằm viện hoài. Tôi làm công nhân, 1 tháng chưa tới 6 triệu đồng, còn phải nuôi thêm 2 cháu ngoại.
Tiền ăn, tiền thuốc, mượn trước trả sau, nên tôi không dám về quê ăn tết. Ở trên này mấy chị em có nhau, có gì ăn đó. Người lớn tết sao cũng được, chỉ tội tụi nhỏ” - nói xong bà cùng bà Phước, chị Lệ nén tiếng thở dài.
Một năm thu nhập không ổn định, bà Phước, chị Lệ quyết định không về quê, ở lại TPHCM ăn tết |
Ăn tết theo túi tiền
Khó khăn vây quanh, nhưng mỗi người trong xóm trọ công nhân cũng đều phải lo tết. Ở dãy ngoài của khu nhà trọ này, 2 chị em ruột Nguyễn Thị Kim Lê (36 tuổi, bán cá viên chiên) và Nguyễn Thị Mộng Đào (44 tuổi - bán trái cây gần Công ty nhựa Chợ Lớn) khẳng định: “Năm nay khó khăn lắm, công nhân nghỉ nghiều, tụi em mua bán ế ẩm, chưa bằng một nửa trước đây. Nhưng kệ, cũng phải lo cái tết vừa túi tiền của mình”.
Chị Lê chia sẻ: “Tôi mua cho con vài bộ đồ tết. Tôi chọn hoa vừa lâu tàn, vừa rẻ. Tôi chỉ mua cặp bưởi chưng bàn thờ, rồi mua thêm một ít bánh mứt, trà. Tôi nấu nồi thịt kho, làm dưa kiệu là có không khí và ấm bụng mấy ngày tết rồi. Tết, mẹ con chở đi chùa, đi dạo chợ tết. Mẹ con tôi ăn tết khoảng trên dưới 5 triệu đồng”.
Còn chị Đào, dịp tết chị phải “chạy sô” về nhà chồng ở Trà Vinh, và về quê chị ở An Giang. Tuy nhiên, chị cũng cho biết: “Tết tùy theo kinh tế của mình, có nhiêu xài nhiêu, chứ không bị áp lực”.
Chị Đào không chờ tới tết mới mua sắm, mà mua hàng khi nào có dư chút đỉnh, hoặc săn hàng giảm giá. Chị đã mua quần áo mới cho 2 con và chồng từ đợt sale khủng ngày 12/12. Chị chia sẻ kinh nghiệm “khéo co” của mình: “Tôi thấy 1 hũ dưa kiệu nửa kg ở ngoài bán 150.000 đồng, trong khi tôi mua 1kg kiệu chỉ 40.000-50.000 đồng, thêm 1kg đường 24.000 đồng, chịu khó làm đã có món dưa kiệu ngon, đảm bảo vệ sinh”.
Năm nào cũng vậy, từ 20 tết, chị Đào làm dưa kiệu, dưa món, mua thêm lạp xưởng. Chị kho nồi thịt từ ngày 28 tết để cúng ông bà, hầm thêm nồi giò heo măng, để chồng con ăn trong mấy ngày tết. “Vừa tiền xe đi về, quần áo, quà bánh, làm cơm cúng ông bà, lì xì các cháu…, tết của gia đình tôi gói gọn dưới 10 triệu đồng. Coi như thu nhập tháng tết của tôi và tiền thưởng lái xe mướn của ông xã là vừa đủ”.
Tiền bạc không dư, mọi người vẫn có cái tết theo cách của mình. Bà Phước tâm sự: “Khổ gì thì khổ, cũng ráng sắm cho tụi nhỏ vài bộ đồ mới. Tôi chờ lãnh lương tháng tết là mua cho tụi nó. Mình già mặc lại đồ cũ, còn trẻ con mua loại 100.000 đồng 3 bộ cũng đẹp lắm”.
Năm ngoái, ở lại ăn tết TPHCM, bà Phước dẫn gần chục đứa trẻ trong xóm trọ đón xe buýt đi siêu thị. Bà cháu chụp hình thỏa thích. Sau đó, bà Phước mua vài lon nước ngọt, bánh kẹo cho trẻ nhỏ và ít bánh mứt cho người lớn. Về, cả khu trọ xúm lại, trẻ em quây quần uống nước ngọt, ăn bánh, người lớn cũng trải bạt ra giữa lối đi ăn bữa cơm chiều cuối năm, lai rai cùng nhau cho đỡ hiu quạnh.
“Năm nay cũng tính vậy, cho tụi nhỏ có không khí tết. Người lớn không về quê thì tụ lại với nhau, có chi ăn đó, xa quê không có tình thân, nhưng có tình người cũng ấm lòng” - bà Phước nói.
Không chỉ với công nhân, mà nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục kinh tế như trước dịch nên đời sống của người lao động nói chung ít nhiều bị ảnh hưởng. Anh Quốc Bảo - nhân viên y tế một bệnh viện lớn và vợ là chị Giang Thùy - nhân viên một công ty truyền thông ở quận 3 - năm nay phải cắt giảm mạnh việc chi tiêu tết.
Anh Bảo đi gửi quà tết cho cha mẹ ở Đà Nẵng từ dịp Giáng sinh |
Anh Bảo kể: “Mọi năm, vợ tôi đặt đồ tết cho các con toàn hàng xịn, rồi quà cáp, biếu tiền cho cha mẹ, anh chị em và các cháu hai bên. Vợ chồng tôi còn ăn tết ở quê chồng Đà Nẵng rồi về quê vợ Tiền Giang, thậm chí đi du lịch. Ít nhất mỗi cái tết chúng tôi phải chi 60 triệu đồng. Năm nay, tuy kinh tế gia đình không sa sút nhiều, nhưng chúng tôi vẫn tiết kiệm. Năm nay, vợ tôi tận dụng lại đồ cũ và chỉ mua cho con một, hai bộ mới. Hoa cũng chỉ mua vài chậu, chứ không đổ vài triệu mua hoa như mọi năm. Còn đồ gia dụng, thức ăn để lâu, vợ chồng tôi đã đi “săn” ở các hội chợ giảm giá, khuyến mãi lớn của các sàn thương mại điện tử… chứ không chờ sát tết mới mua. Quà biếu, tiền lì xì người thân, vợ chồng tôi vẫn giữ truyền thống, nhưng tinh gọn lại”.
Thêm một kinh nghiệm trong chi tiêu tết của vợ chồng anh Bảo là không chờ cận tết mới gửi quà về cho gia đình. Từ dịp Giáng sinh, anh Bảo đã gửi quà tết về Đà Nẵng. Thùng hàng của anh gồm những món có thể để được lâu như: nấm đông cô, nho khô, hạt điều, khô bò, trà, cà phê, yến sào, giày dép, quần áo cho cha mẹ và những chai rượu thuốc gia truyền trị đau nhức. Anh Bảo cho biết: “Mọi năm tôi gửi 2-3 thùng quà, năm nay chỉ gói gọn trong 1 thùng, nhưng vẫn đảm bảo đó là những món ba má tôi thích, hay dùng dịp tết”.
Thêm một ngày trôi qua, xuân lại đến gần hơn. Tuy nhiên, sự chộn rộn chuẩn bị tết nhiều hay ít phụ thuộc nếp riêng và kinh tế của mỗi người, mỗi nhà. Trong khó khăn, càng nhiều người giỏi giang để khéo vén, và nói như chị Đào thì: “Mình cứ lo tết theo túi tiền của mình, mua sắm vừa phải, tiết kiệm thì tết vẫn vui, ấm áp”.
Thùy Dương