Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, phát biểu
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Quan tâm chính sách cho cán bộ y tế vùng đặc thù, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, cho rằng chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 dự thảo Luật đã thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước trong thực hiện chính sách về khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù cho khám bệnh, chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.
Đại biểu chỉ ra rằng, điều kiện cơ sở vật chất các cơ sở y tế hiện nay chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong khi đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng. Với chủ trương việc khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tới sẽ triển khai toàn diện tuyến cơ sở, cấp huyện, cấp xã trừ trường hợp bệnh mắc bệnh hiểm nghèo mới chuyển lên tuyến trên, nếu không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực phù hợp thì chủ trương này sẽ không khả thi.
Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này nhằm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, thảo luận
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là vùng miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.
Đại biểu Đoàn Thị Lên An cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người dân tộc thiểu số. Vì trên thực tế hiện nay có nhiều lương y, nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số hành nghề tại khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã tương đối nhiều. Do đó có cần phải quy định về trường hợp này.
Còn đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng: Thực tiễn qua công tác phòng, chống dịch Covid 19 thời gian qua càng thấy rõ hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, nhất là cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, còn thiếu thốn rất nhiều máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, kinh phí chi thường xuyên cũng rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động trên lĩnh vực này ở các cấp luôn làm việc rất vất vả trong các đợt dịch bùng phát. Tuy nhiên, khó khăn, vất vả là vậy song chế độ tiền lương, phụ cấp; chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ viên chức, lao động trong lĩnh vực y tế lại rất thấp.
Đại biểu này cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này cần có định hướng, chính sách cụ thể đối với các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cần ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là y tế cơ sở tại những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân.
Bên cạnh đó, trong dự án Luật cần nhấn mạnh đến việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, có chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù về tiền lương, phụ cấp, chính sách bảo hiểm nghề nghiệp đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là những vấn đề cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn nên đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để tiếp tục sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn trong dự án Luật.