(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).
Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay tiếp tục có nhiều khó khăn. Theo đánh giá của ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh Hải Phát Invest, có một vấn đề rất cụ thể là nguồn cung không được tốt như những năm trước và với bối cảnh hiện nay, khả năng nguồn cung trong năm còn giảm hơn rất nhiều so với hai năm trước đây với mức giảm 50-60%.
Theo ghi nhận của CBRE trong quý đầu năm, Hà Nội có khoảng 3.500 căn hộ chung cư mở bán mới, giảm 39% theo quý và giảm 20% theo năm. Trong ba tháng qua, TP HCM chỉ ghi nhận duy nhất một dự án hiện hữu mở bán giai đoạn tiếp theo với 884 sản phẩm, chạm đáy nguồn cung mới theo quý kể từ năm 2013.
Song, Giám đốc Kinh doanh Hải Phát Invest, cho rằng đối với những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, thương hiệu tốt, cùng với tệp khách hàng đã phát triển được trong nhiều năm thì 2022 lại là thời điểm thuận lợi khi các doanh nghiệp này ra hàng và tạo được sức hút của thị trường.
Lấy ví dụ về thời điểm mới ra hàng một dự án ở phía Bắc, ông Duy cho biết sức hút dự án này rất tốt, ngay cả khi nhiều người cho rằng mức giá chào bán của dự án này là không tưởng và phải mất vài năm nữa mới tìm được đến giá trị thật.
“Tuy nhiên, theo tôi quan sát và chứng kiến tốc độ, năng lực triển khai của nhà đầu tư, tôi cho rằng họ có căn cứ để xác định mức giá đó và nó khiến thị trường một lần nữa ghi nhận sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư đối với lĩnh vực bất động sản”, ông Duy nói.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giá bất động sản vẫn neo cao khi thị trường chịu áp lực từ động thái siết tín dụng 07/06/2022 - 08:16
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, nguồn cung có dấu hiệu tiếp tục khan hiếm là tình trạng chung của thị trong 5 tháng đầu năm.
“Với việc ít nguồn hàng đưa vào thị trường, những dự án nào ra hàng vừa rồi đều trở thành ngôi sao, hàng hot. Điều này dẫn đến giá bị đẩy lên, có những nơi giá đất cao gấp 2 lần, đặc biệt những thị trường lớn như Hà Nội và TP HCM không có bất kỳ hàng nào ra trong giai đoạn vừa rồi, đó là câu chuyện vì sao hai thị trường này có mức giá phi mã”, ông Đính lập luận.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ất động sản không khác những thị trường hàng hóa khác, đều có hàng lậu và hàng giả.
“Hàng lậu là người ta bắt đầu đi gom sổ ở các địa phương, vùng nông thôn rồi chia tách thành các lô, thửa để kiếm lợi. Câu chuyện này pháp luật không cấm nhưng hệ lụy của nó tạo ra khá nhiều. Hoạt động này không được khuyến khích bởi không sinh lợi cho nền kinh tế nói chung.
Hàng giả là các đối tượng gom đất rừng, đất đồi và biến thành dự án chia lô, tách thửa mà không được pháp luật nào thừa nhận. Quá trình mua đi bán lại được thực hiện nhiều lần và giá được đẩy lên rất mạnh. Các hoạt động này chỉ có lợi cho nhóm đầu tư, đầu cơ cục bộ”, ông Đính lý giải.
Cũng theo ông Đính, chắc chắn thị trường bất động sản ở những khu vực mà nền kinh tế không phát triển nhưng giá bất động sản vẫn tăng là nghịch lý, dễ dẫn đến tình trạng bong bóng, rất nguy hiểm cho cả thị trường khu vực đó và làm cản trở chủ trương phát triển kinh tế, cũng như quy hoạch địa phương.
Ông Đính chia sẻ, “quan sát giá bán của một số dự án gần đây, chúng tôi rất trăn trở khi thị trường một số nơi có trường hợp bỏ giá, hợp đồng định giá đâu đó còn chưa hợp lý, thậm chí nhiều dự án nằm trong vùng được hưởng lợi bởi quy hoạch, kết nối hạ tầng,… trong tương lai nhưng giá bất động sản đã tăng”.
Chuyên gia dẫn chứng, trở lại một số dự án ở Hoài Đức, Mê Linh trước đây vẫn đang chờ đợi hạ tầng và một số vị trí đã được đáp ứng.
“Đôi khi chúng ta có những kỳ vọng rất lớn, các nhà môi giới dựa vào thông tin để rồi phóng đại lên, thậm chí năng lực đánh giá của nhiều nhà môi giới chưa thật sự chất lượng, dẫn đến tư vấn không tới và cuối cùng rủi ro đổ về nhà đầu tư, khách hàng”, ông Đính nhận định.