Đang giờ nghỉ trưa, một cô đồng nghiệp bỗng nhiên khóc lớn lên, an ủi cách nào cũng không được. Sau này mới nghe nói, thì ra mẹ của cô ấy nhập viện. Áp lực cộng thêm lo lắng, cô chịu không nổi nên đã bật khóc nghẹn ngào.
Bố mẹ chồng chưa nghỉ hưu. Thời gian mới mang thai, cô và mẹ đã quyết định sau sinh con, bà sẽ giúp chăm cháu.
Sức khỏe của mẹ cô vốn đã không tốt, giờ đây phải thức đêm chăm cháu, lao tâm khổ tứ, còn phải giặt giũ, nấu cơm, quét dọn. Việc nhỏ gom lại đã khiến bà không thể cố gắng được nữa. Thế là ngã bệnh.
“Điều tôi hối hận nhất chính là để mẹ chăm cháu!”, cô đồng nghiệp nghẹn ngào. Câu nói của cô ấy đã khiến không ít người cùng công ty phải rơi nước mắt.
Khi chúng ta còn là đứa trẻ, lúc nào cũng cho rằng sự hy sinh của bố mẹ là lẽ đương nhiên. Đến khi bản thân trở thành bố mẹ thì mới hiểu thì ra họ vĩ đại như vậy.
Trên thế giới này, người có thể yêu thương chúng ta vô điều kiện e rằng chỉ có bố mẹ mà thôi.
Thời nay, nhiều bậc bố mẹ trẻ tuổi vì mưu sinh nên đã chọn cách đi làm xa. Con cái để người già trong nhà chăm sóc, hoặc là ông bà nội, hoặc là ông bà ngoại.
Những năm trở lại đây, ông bà ngoại chăm sóc cháu dần trở thành “lực lượng” đông đảo hơn cả.
1. Bà ngoại chăm cháu
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, có hơn 20 triệu người già rời bỏ quê nhà để vào thành phố cùng con cái. Mục đích đa số là giúp con chăm sóc cháu.
Đừng nghĩ rằng ông bà nào cũng làm nghề nông. Trong nhóm này có không ít người làm những công việc đầy tri thức, hưởng đủ lương hưu. Theo đó, họ hoàn toàn có thể hưởng thụ những năm cuối đời một cách sung sướng, vô lo vô nghĩ.
Nhưng họ quyết định từ bỏ cuộc sống hạnh phúc, bất chấp thân thể già yếu để cùng con gái đến thành phố xa lạ, tiếp tục toàn tâm toàn lực trông nom cháu ngoại.
Tại sao ông bà ngoại thường chăm cháu giúp con gái?
Một số bà mẹ lo lắng con gái mình sống không hòa thuận với mẹ chồng. Đồng thời, theo tâm lý thường thấy, có mẹ đẻ giúp sức thì đương nhiên con gái cũng an tâm hơn bội phần.
Bất kể nguyên nhân nào, ông bà ngoại chăm cháu đều chỉ có một mục đích - thương con gái.
2. Sự khó nhọc của bà ngoại
Mặc dù bà ngoại sớm tối cùng con gái và con rể sinh sống, nhưng không thể không phát sinh mâu thuẫn, không ít thì nhiều. Nhưng sự chạnh lòng chua chát cùng thiệt thòi của bà ngoại, nào có ai cảm nhận được?
Một, không thể thích ứng vùng đất xa lạ.
Tôi tâm sự với một bà cô lớn tuổi. Bà ấy nói, mỗi lần đến nhà con gái, bà không quen biết bất cứ ai cả. Mỗi ngày đều ở nhà chăm cháu, đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà. Thật sự rất chán chường, lúc nào cũng nhớ đến quê nhà thân quen của mình.
Người trẻ thích ứng với môi trường mới vô cùng nhanh. Nhưng người già không được như vậy. Cả cơ thể và tâm hồn của họ rất dễ bị mệt mỏi. Họ chỉ thích ở nơi quen thuộc, an tĩnh.
Hai, tuổi già sức yếu.
Chăm cháu là công việc cực nhọc. Khi đứa trẻ đã biết chạy nhảy lại còn mệt mỏi hơn. Đương nhiên người già làm sao bì lại sự hiếu động của mầm non mới lớn.
Nhiều bà ngoại tự trách bản thân vì sức khỏe không cho phép, không thể chăm sóc cháu cẩn thận hơn.
Ba, mâu thuẫn khi sống chung.
Con người chỉ cần giao tiếp với nhau thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Mẹ và con gái, mẹ vợ và chàng rể cũng như thế.
Vì quan hệ máu mủ nên con gái lắm lúc không biết kiêng dè, nể trọng mẹ, từ đó thốt ra những câu nặng lời khiến người già bị tổn thương sâu sắc. Nhưng phận làm mẹ, tuổi gần đất xa trời, không muốn đôi co chấp nhặt với con, chỉ muốn chăm cháu hòng giúp con vơi bớt gánh nặng.
3. Người mẹ tốt bụng chăm cháu giúp con
Bất kể bà ngoại hay bà nội, họ đều phải chịu không ít thiệt thòi trong khi bản thân đáng lẽ nên vui vẻ tận hưởng tuổi già. Vậy nên, khi đón nhận sự hy sinh của bố mẹ, con cái phải ghi lòng tạc dạ để đối xử tốt với họ.
Một, quan tâm đến sức khỏe của mẹ.
Hai, để mẹ nghỉ ngơi hợp lý.
Ba, dạy bảo con nhỏ biết ơn công lao của bà.
Được nghe đứa cháu nhỏ nói với mình câu “Con cảm ơn bà!” quả thực hạnh phúc hơn bất kỳ điều gì!
(Nguồn: Zhihu)