Cho trẻ ăn thịt nên bắt đầu từ khi nào để đảm bảo an toàn?
Cho trẻ ăn thịt đúng phương pháp có thể hỗ trợ quá trình phát triển khỏe mạnh, toàn diện. Thời điểm bắt đầu đưa thịt vào thực đơn ăn dặm của trẻ sơ sinh là vô cùng quan trọng.
Trong tình huống bình thường, mẹ có thể tập cho trẻ ăn thêm thịt khi đủ 6 tháng tuổi hoặc khi trẻ có dấu hiệu sẵn sàng ăn thức ăn đặc.
Một số chỉ số cơ bản mà bạn có thể quan sát để phán đoán bé nhà mình đã đủ tiêu chuẩn để ăn thịt an toàn hay chưa, bao gồm: Khả năng kiểm soát đầu đã khá thuần thục, trẻ mở miệng hoặc ra hiệu rằng trẻ muốn ăn thức ăn của bạn…
Tuy nhiên mỗi em bé đều có thể trạng và quá trình sinh trưởng khác nhau. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo việc cho trẻ sơ sinh ăn thịt an toàn và hiệu quả.
Lợi ích của việc cho trẻ em ăn thịt
Trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, điều này rất cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Mẹ biết cho trẻ ăn thịt đúng cách sẽ giúp bổ sung dưỡng chất cần thiết, thúc đẩy bé cưng phát triển vượt trội hơn.
Bổ sung sắt giúp phát triển trí não
Sắt là yếu tố cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi mới chào đời, cơ thể trẻ có một lượng sắt dự trữ và đủ để kéo dài trong khoảng 6 tháng.
Điều này có nghĩa là khi trẻ sẵn sàng ăn dặm cũng sẽ có nhu cầu bổ sung sắt từ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt đỏ.
Cung cấp nguồn protein tốt cho chế độ ăn cân bằng
Thông thường, khi trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 đến 12 tháng tuổi, mẹ nên bổ sung thịt vào thực đơn ăn uống của trẻ. Cho trẻ ăn thịt hợp lý có lợi cho quá trình phát triển toàn diện.
Các loại thịt trắng như thịt gà thường có nguồn protein dồi dào, giúp cân bằng dưỡng chất và hạn chế nguy cơ suy dinh dưỡng, hỗ trợ phát triển cơ bắp.
Nguồn kẽm tích cực cho sự tăng trưởng và hồi phục bệnh tật
Kẽm là một trong những dưỡng chất quan trọng với trẻ sơ sinh. Nguyên tố vi lượng này có tác dụng hỗ trợ sự tăng trưởng, nâng cao hệ miễn dịch, góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục khi trẻ bị bệnh.
Thịt chứa nhiều kẽm và dễ hấp thu vào cơ thể trẻ nhỏ. Vì vậy, mẹ nên chú ý kịp thời bổ sung thịt vào thực đơn ăn dặm của trẻ để đảm bảo không bị thiếu chất.
Lưu ý khi đưa thịt vào chế độ ăn dặm của trẻ
Tránh các loại thịt chế biến sẵn
Mẹ nên mua thịt tươi, hợp vệ sinh và đảm bảo an toàn để chế biến thức ăn dặm tại nhà cho bé. Cố gắng hạn chế tối đa cho trẻ ăn các sản phẩm thịt gia công như xúc xích, thịt nguội, patê, thịt hộp…
Hầu hết các loại thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều Nitrat và các chất phụ gia. Điều này không an toàn cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Thậm chí, với trẻ lớn hơn cũng không nên dùng các loại thịt này quá nhiều.
Thịt phải nấu chín hoàn toàn
Để an toàn khi cho trẻ sơ sinh ăn dặm với thịt, mẹ cần sơ chế kỹ và nấu thật chín. Trẻ em dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh từ thực phẩm nên cần thận trọng hơn khi chế biến.
Đảm bảo thịt được chế biến phù hợp với khả năng ăn uống của trẻ
Bạn có thể xay nhuyễn thịt trước khi nấu hoặc ít nhất phải cắt lát thật nhỏ và mỏng, thậm chí nếu cần thiết còn phải xé nhỏ thịt khi bón thức ăn cho trẻ.
Những miếng thịt lớn hoặc chưa chín mềm có thể gây sặc, nghẹt thở cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, các món ăn dặm của trẻ đều phải nấu chín kỹ để không gây áp lực cho hệ tiêu hóa, đồng thời giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Nên cho trẻ ăn bao nhiêu thịt mỗi ngày?
Đầu tiên, mẹ nên cho trẻ ăn thịt với một lượng nhỏ để xem có xảy ra phản ứng mẫn cảm nào hay không và xem trẻ có “thích thú” với món ăn này bao nhiêu.
Ngoài ra, tùy vào thể trạng và tốc độ phát triển của trẻ mà bạn điều chỉnh lượng thịt hằng ngày cho phù hợp. Dưới đây là tiêu chí dựa trên độ tuổi mà mẹ có thể tham khảo khi cho con ăn thịt.
- Trẻ từ 6 đến 8 tháng: Chỉ một ít thịt
- Trẻ từ 8 đến 12 tháng: 50 - 100g thịt
- Trẻ từ 1 đến 2 tuổi: 50 - 150g thịt
- Trẻ từ 2 đến 3 tuổi: 50 - 150g thịt
- Trẻ từ 3 đến 5 tuổi: 50 - 200g thịt
Hy vọng qua bài viết sẽ giúp mẹ biết cách cho trẻ ăn thịt hợp lý, giúp trẻ được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và phát triển tối ưu.
Thiên Khuê (Theo Family)