Startup bán xăng đan nhận đầu tư 23 tỷ từ Shark Hùng Anh sau câu hỏi ngược kỳ lạ

04/11/2024 05:08

Mặc dù bị nhiều Shark nhận định là còn thiếu kỹ năng về tài chính, CEO Shondo vẫn nhận được đề nghị đầu tư của 3 Shark.

Trong tập 2 Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 5, Trần Phạm Thông Hiệp, CEO và người sáng lập của Shondo, đã mang đến chương trình một startup giày xăng đan dành cho giới trẻ. Thông Hiệp muốn kêu gọi 1 triệu USD đổi lấy 10% cổ phần.

st1-20220612222456524.jpeg?width=700

 Trần Phạm Thông Hiệp, CEO và người sáng lập của Shondo, trên sân khấu Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Với mức định kêu gọi đầu tư nói trên, CEO Shondo đưa ra 3 lý do để thuyết phục các nhà đầu tư. Đầu tiên, anh khẳng định các mẫu xăng đan tự thiết kế và sản xuất của Shondo có thiết kế đẹp, khác biệt và đang là xu hướng tại Việt Nam trong những năm qua.

Bên cạnh đó, Thông Hiệp cho rằng thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Trong khi thị trường Việt Nam đã có khá nhiều hãng quần áo nội địa nổi tiếng song chưa có nhiều tên tuổi ở lĩnh vực giày dép. Cuối cùng, CEO Shondo tiết lộ đã bán được 1 triệu đôi giày xăng đan thông qua 20 cửa hàng, 20 nhà máy sản xuất và hàng trăm đại lý bán hàng trên toàn quốc.

Với số vốn 1 triệu USD, 500.000 USD sẽ được dùng để đầu tư vào hàng hoá, mở rộng nhà máy và 500.000 USD còn lại để mở thêm 20 điểm bán trên toàn quốc.

Đến đây, Shark Hưng đặt ra câu hỏi vì sao Shondo không bán hàng trên các nền tảng trực tuyến. Về điều này, Thông Hiệp cho biết Shondo vẫn đang bán hàng trực tuyến, tuy nhiên hệ thống phân phối trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng như một cách để người dùng trực tiếp trải nghiệm sản phẩm và Shondo cũng có thể bán hàng với giá cao hơn qua kênh này. Với mục tiêu 20 cửa hàng, Shondo muốn phổ độ phủ ra toàn quốc.

Về tỷ trọng doanh thu, Shondo đang có 40% - 50% doanh thu đến từ hoạt động bán lẻ, 30% đến từ các đại lý và 20% đến từ kênh online. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận ở các đại lý đang cao hơn các kênh còn lại từ 3% - 5%. Thông tin bất ngờ này khiến Shark Hưng cho rằng Shondo không nhất thiết phải tự mở thêm các cửa hàng mới.

st2-20220612222458102.jpeg?width=700

 Shondo cho biết lợi thế cạnh tranh của hãng này đến từ khả năng tự thiết kế. Năm nay, Shondo dự tính ra mắt thêm mặt hàng giày thể thao. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Về tình hình tài chính công ty, Thông Hiệp cho biết anh đã đầu tư 3 tỷ vào startup của mình và hiện nay tổng tài sản Shondo dao động trong khoảng từ 30 tỷ đồng cho tới 40 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ tương đương 1,5 lần doanh thu, chủ yếu là nợ phải trả. Shondo gần như không có nợ phải thu với mô hình phân phối trả tiền hàng ngay. Shondo nói thêm rằng giá trị hàng tồn kho gấp 3 lần so với doanh thu.

Dù vậy, Shark Hùng Anh nhìn nhận đây là một rủi ro lớn với Shondo khi thị trường thay đổi thị hiếu và hàng khó tiêu thụ. Cùng thời điểm, chiến lược giảm giá để giảm hàng tồn kho không phải khi nào cũng mang đến các tác động tích cực đến hành vi tiêu dùng đồng thời ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Shark Hưng đặt ra câu hỏi về bức tranh dành cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Shondo. Theo Thông Hiệp, các nhà đầu tư có thể được hoàn vốn từ 3 đến 5 năm. Sau khi nghe startup trình bình về các số liệu tài chính, Shark Hưng vẫn cho rằng thông tin cung cấp, bao gồm tỷ suất lợi nhuận và số sản phẩm bán ra có thể chưa chính xác. Đến đây, Shark Bình cho rằng điểm yếu của Shondo là CEO chưa có các kỹ năng về tài chính.

Shark Hưng cho rằng sản phẩm của Shondo là một sản phẩm tiêu dùng và có tính thay thế cao. Vì thế, nó bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm thay thế khác. Do đó, chi phí cố định ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận, đồng nghĩa với việc nếu Shondo càng đầu tư vào xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ thì sẽ càng gặp nhiều áp lực về chi phí cố định.

Bên cạnh đó, Shark Hưng một lần nữa khẳng định tỷ lệ tồn kho lớn của Shondo khiến vốn lưu động ứ đọng và nợ nhà cung cấp tăng mạnh. Shark Hưng cho rằng với sản phẩm như của Shondo yếu tố mấu chốt nằm ở quản trị marketing và quản trị tài chính.

Sau khi nghe trình bày, Shark Liên quyết định không đầu tư do sản phẩm không nằm trong hệ sinh thái. Trong khi đó, Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 23 tỷ cho 45% cổ phần. Shark Hưng rút khỏi bàn đàm phán đầu tư vì cho rằng lời đề nghị của Shark Hùng Anh đã đủ hấp dẫn.

Sau khi hỏi startup thêm một số thông tin về tài chính song chưa nhận được câu trả lời đủ rõ ràng, Shark Phú quyết định đề nghị đầu tư ở mức 23 tỷ với định giá công ty bằng bình quân lợi nhuận 2 năm nhân 15 lần (P/E 15 lần). Nhận lời mời đầu tư của Shark Phú, Shondo có thể được hưởng lợi từ tư duy quản trị do hiện tại Shark Phú cũng đang có một doanh nghiệp sản xuất.

Shark Bình cũng muốn đầu tư vào Shondo với điểm mạnh ở chiến lược bán hàng và khả năng phân phối ra các thị trường Đông Nam Á. Shark Bình đưa ra lời đề nghị đầu tư 23 tỷ đồng đổi lại 35% cổ phần công ty cùng lời hứa tăng gấp đôi tỷ suất lợi nhuận trong 2 năm.

Shark Hùng Anh cũng nói rằng anh có kinh nghiệm triển khai kinh doanh quốc tế và Shark Hùng Anh sửa lại đề nghị đầu tư của mình là 23 tỷ đồng cho 30% cổ phần.

Trước khi đưa ra quyết định nhận lời mời đầu tư, Thông Hiệp hỏi lại các nhà đầu tư về nhân sinh quan của mình.

Với Shark Phú, ước mơ của ông là tạo ra các sản phẩm đến từ bàn tay của con người Việt Nam, có năng lực cạnh tranh để phục vụ người tiêu dùng trong nước trước khi mở rộng ra quốc tế. Khi lựa chọn đầu tư, Shark Phú cũng hướng đến các startup tương tự.

Shark Hùng Anh nói rằng khi đầu tư ông không quá quan tâm đến sản phẩm mà quan tâm nhiều hơn đến con người. Shark Hùng Anh nhìn thấy ở CEO Shondo lòng nhiệt huyết để đưa ra quyết định đầu tư.

Về Shark Bình, ông chia sẻ nhân sinh quan là hạnh phúc là khi những gì mình có nhỏ hơn hoặc bằng những gì mình muốn. Vì thế, nếu cố mãi không được, chúng ta có thể giảm những gì mình muốn xuống để được hạnh phúc hơn.

Sau khi nghe chia sẻ của các Shark, CEO Shondo lựa chọn lời đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh.

(Theo: http://vietnambiz.vn/s-2022612222647433.htm)